Quản lý tiền chất chặt nhưng không được ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp

Ngày đăng 2/22/2017 3:13:58 AM

Kiểm soát tiền chất để hạn chế tội phạm ma túy là rất cần thiết nhưng quan trọng là không được để ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là ý kiến của TS. Phùng Hà- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).

Kiểm soát tiền chất để hạn chế tội phạm ma túy là rất cần thiết nhưng quan trọng là không được để ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là ý kiến của TS. Phùng Hà- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).

CôngThương - * Thưa ông, hiện dư luận rất lo lắng vì tình trạng tiền chất đang trôi nổi khá nhiều trên thị trường và là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng tội phạm ma túy. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Hiện tại Chính phủ đã quy định 42 loại tiền chất phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ tránh để kẻ xấu sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp. Trong số 42 tiền chất, Bộ Y tế quản lý 10 loại, Bộ Công Thương quản lý 32 loại (30 loại do Cục Hóa chất cấp giấy phép, 2 loại do Vụ Xuất nhập khẩu cấp phép tạm nhập, tái xuất). Trong số 42 loại tiền chất phải quản lý có 18 loại tiền chất thiết yếu (Bộ Công Thương quản lý 10 loại, Bộ Y tế quản lý 8 loại). Hầu hết các loại tiền chất đều phải nhập khẩu, chỉ có một số ít do các doanh nghiệp trong nước sản xuất được như các axit chlohydric, axit sunphuric. Tiền chất rất quan trọng trong các ngành công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, y tế và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, chúng ta không thể dùng giải pháp “không quản được thì cấm”. Tuy nhiên, nhiều hóa chất thông dụng có thể sử dụng sản xuất ma túy cũng lại là những hóa chất cơ bản không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất như axit acetic, axit sunlfuric, toluene … Chính vì vậy, nếu không nắm rõ được mục đích sử dụng của các đối tượng thì khó có thể phân biệt được khi nào nó đóng vai trò là hóa chất công nghiệp, khi nào nó là tiền chất sản xuất ma túy.

* Tại sao việc quản lý tiền chất lại khó khăn. Bộ Công Thương có vai trò như thế nào trong lĩnh vực này, thưa ông?

- Cùng với tiền chất vũ khí hóa học, tiền chất vật liệu nổ thì tiền chất ma túy được xếp vào loại hóa chất lưỡng dụng. Tính hai mặt của các loại tiền chất đang đặt ra những khó khăn nhất định cho các cơ quan quản lý. Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm soát tiền chất là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, vừa phòng ngừa thất thoát tiền chất vào các mục đích bất hợp pháp.

Điều 41 Luật Phòng, chống ma túy quy định: Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành danh mục, quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và tổ chức thực hiện quy chế đó. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất sử dụng trong lĩnh vực sản xuất. Cho đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành 4 văn bản quản lý kiểm soát tiền chất. Tuy nhiên, việc quản lý còn có những khó khăn, bất cập nhất định, thí dụ Quy chế quản lý tiền chất của Bộ Công Thương chưa phân định được cấp độ quản lý; Nhận thức của một số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp chưa đầy đủ. Ngoài ra việc theo dõi chống thất thoát tiền chất ở các khâu xuất nhập khẩu, lưu thông, sử dụng và tồn trữ tiền chất còn nhiều bất cập. Các đơn vị nhập khẩu tiền chất về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác; Các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp, do đó việc kiểm soát đến khâu cuối cùng còn nhiều khó khăn.

* Theo ông cần có giải pháp nào để kiểm soát tiền chất trong công nghiệp?

- Cần phải khẳng định, không có tiền chất sẽ không có ma túy. Muốn xã hội trong sạch và lành mạnh thì yếu tố đầu tiên là không được để thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy. Để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tiền chất trong tình hình mới, trước hết cần có sự đánh giá phân loại tiền chất theo các cấp độ khác nhau. Trong đó, tiền chất nguy cơ cao là những hóa chất được sử dụng để điều chế, sản xuất ma túy, nó tham gia một phần hoặc toàn bộ vào cấu trúc phân tử cuối cùng của chất ma túy. Tiền chất thông thường là những hóa chất được sử dụng làm chất phản ứng hoặc làm dung môi, chất thử trong điều chế bất hợp pháp các chất ma túy tại Việt Nam. Từ cơ sở phân loại sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát tiền chất phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt, cần phối hợp linh hoạt giữa việc học tập kinh nghiệm quản lý tiền chất ở các nước trên thế giới với việc vận dụng kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Cụ thể, phải nghiên cứu phương pháp, chủng loại nguyên liệu từ các vụ điều chế trong nước để xác định các tiền chất có nguy cơ cao tại Việt Nam để tìm giải pháp quản lý thích hợp. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tiền chất nhưng không làm ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến tiền chất.

* Xin ơn ông!

Quy định mới về quản lý tiền chất

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định về quản lý kiểm soát tiền chất công nghiệp trên cơ sở hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Dự thảo Thông tư sẽ quy định theo hướng: phân loại tiền chất theo cấp độ để quản lý; quản lý chặt chẽ kinh doanh tiền chất trong nội địa; tăng cường kiểm tra định kỳ các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng, tồn trữ, vận chuyển tiền chất…

Cụ thể: Việc phân phối, mua bán, trao đổi tiền chất phải có Hợp đồng mua bán tiền chất hoặc một trong các tài liệu: hợp đồng nguyên tắc; thỏa thuận bán hàng, mua hàng; bản ghi nhớ. Trong hợp đồng phải có nội dung thông tin cảnh báo: Tiền chất có thể bị lợi dụng vào sản xuất ma túy; không được sử dụng tiền chất vào mục đích bất hợp pháp. Trường hợp mua bán tiền chất không có hóa đơn, chứng từ đều bị coi là kinh doanh trái phép và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất phải lập sổ theo dõi các thông tin: Họ và tên khách hàng; địa chỉ; số điện thoại, số fax; năm thành lập; khách hàng tiếp tục bán lại hay là nơi sử dụng tiền chất cuối cùng; mục đích của việc sử dụng tiền chất (nếu tiền chất được sử dụng để sản xuất thì phải nêu tên sản phẩm); số lượng tiền chất bán ra hàng ngày. Sổ theo dõi mua bán tiền chất được lưu giữ trong thời hạn 5 năm.

Những đơn vị, cá nhân sử dụng tiền chất phải lập sổ riêng để theo dõi: số lượng tiền chất sử dụng hàng ngày, thời gian và mục đích sử dụng, định mức tiêu hao tiền chất trên một đơn vị sản phẩm. Sổ này cũng phải được lưu giữ trong 5 năm. Trong quá trình sử dụng và tồn trữ tiền chất, nếu phát hiện có thất thoát tiền chất phải báo ngay cho cơ quan công an và cơ quan quản lý chuyên ngành hóa chất tại địa bàn hoạt động để có biện pháp ngăn ngừa, khắc phục hậu quả.

Giấy phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền chất được cấp cho từng lần nhập khẩu vào Việt Nam hoặc xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và có thời hạn trong vòng 03 (ba) tháng, kể từ ngày cấp phép. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa xong thì đề nghị Bộ Công thương (Cục Hóa chất) xem xét gia hạn thêm. Giấy phép chỉ gia hạn một lần trong năm kế hoạch, thời gian gia hạn không quá 03 (ba) tháng.

Doanh nghiệp chế xuất khi bán tiền chất vào nội địa hoặc doanh nghiệp nội địa khi bán tiền chất cho doanh nghiệp chế xuất phải thực hiện các quy định về xuất nhập khẩu và làm thủ tục hải quan theo quy định hiện hành. Hàng năm, Cục Hóa chất có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy thuộc Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý, kiểm soát tiền chất. Các Sở Công thương cũng phối hợp với Cục Hóa chất, công an tỉnh, thành phố; Chi cục quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các yêu cầu về kinh doanh tiền chất đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền chất trên địa bàn.

Cũng theo Dự thảo, Bộ Công thương có quyền ra quyết định thu hồi giấy phép và đình chỉ việc nhập khẩu, xuất khẩu khi các tổ chức cá nhân vi phạm quy định về xuất nhập khẩu.

Theo:tienchatcongnghiep.gov.vn

Để lại bình luận của bạn